Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Ðời Người Trong Một Câu

Nhà vua ấy, ngay từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần cái trọng trách sưu tầm dưới các bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời. Ý cửu trùng muốn thu nhập những cái hay ở đời để dựng một nguyên tắc trị dân.
Ba mươi năm trời đã qua, vị thanh niên anh tuấn nấy, chờ đợi tóc đã điểm bạc. Lễ khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng trong Hoàng cung. Lúc ấy quan đại thần cũng về với đoàn lạc đà, bốn vó trắng bụi đàng xa, và trên lưng chất hơn nghìn sách quý mà vị đại thần đã có công kết tập.
“Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời đất nhiều đến thế. Trẫm làm sao xem hết.Khanh mang về rút ngắn lại cho trẫm đủ thời giờ xem.”
Ðoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm:
Nhà vua vuốt chòm râu bạc phau ngần ngại phán:
“Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc sao cho kịp. Khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu trong ấy”.
Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng.
Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả: năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dày. Một pho sách đầy chứa tất cả triết lý của muôn cuộc đời!
Cuốn sách dày ấy, một buổi sớm được mang vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm yên trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu chực.
Vừa mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn.
Vua thở ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:
“Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa thể xem được huống là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm háo hức muốn biết qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển cả một vân mệnh… Khanh khá rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ cho trẫm xem kịp và đủ sức hiểu…”
Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh. Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngừng hẳn lại. Không khí trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Vàng son nội điện tự nhiên cũng hóa rầu rĩ. Mọi người chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ Văn phòng tứ bảo hình như run khi bàn tay già đưa ra.
Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh. Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy đã chập chờn đầu long sàng. Ðã mấy lần nhắm mở. Vua mới cất được mấy tiếng cuối cùng: “SANH LÃO BỆNH TỬ”.
                                                                                       
Kết quả hình ảnh cho gia benh chet
                                                 
Một đời người luống qua vô ích
Chỉ kết liễu trong ân hận
                                                                  http://www.hoalinhthoai.com/buddhistbook/detail/book-125/index-2215/Truyen-co-Phat-giao-tap-1.html

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

12 Lời Nguyện Niệm Phật

1. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Hôm nay và mãi mãi.

2. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Cho trí sáng tâm khai.

3. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Sống an vui tự tại.

4. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Không ác ý với ai.

5. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Luôn nói lời từ ái.

6. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Không gây khổ cho ai.

7. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Hằng trì trai giữ giới.

8. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Luôn nhẫn nại khoan dung.

9. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Sắc tài không đắm nhiễm.

10. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Trừ phiền não trái oan.

11. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Trải lòng thương muôn loại.

12. Kính lạy Phật Di Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Chí vãng sanh không phai.
Nam Mô A Di Đà Phật
 Kết quả hình ảnh cho phat tu
     

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Chí tâm niệm Phật Tịnh độ hiện tiền

Đã lâu lắm rồi, từ cái ngày  thơ ấu xa xôi khi con được mẹ dắt lên chùa, theo thời gian, tất cả mọi thứ đều như cứ trôi đi, duy chỉ có câu niệm danh hiệu Phật A Di Đà trầm bổng du dương còn đọng lại. Con thích niệm thầm danh hiệu Phật từ thuở ấy, âm thầm chẳng cho mẹ biết và cũng chẳng hiểu tại sao.
Khi lớn lên, cũng như bao người trẻ khác, con bị cuốn vào cuộc sống hối hả với bao thăng trầm, lợi danh, vinh nhục. Nhưng câu niệm Phật thì con vẫn âm thầm mang theo như một hành trang vô hình, trì niệm trong những lúc có thể, và rồi Sáu chữ Hồng danh trở nên thân thiết như một người bạn cố tri. Khi vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại, lúc cô đơn cũng như khi hạnh phúc, niệm Hồng danh Phật liền thấy lòng ấm lại, hết chơi vơi, bình tĩnh và thanh thản hơn rất nhiều. Sau này học giáo lý Tịnh độ, con mới biết mình có căn lành với pháp môn niệm Phật thâm diệu này.
Càng niệm Phật, con nhận ra tình thương của Phật A Di Đà thật bao la, vô hạn. Hình ảnh Phật A Di Đà đứng trên tòa sen sáng lòa, duỗi cánh tay vàng tiếp độ luôn hiện ra trước mắt mỗi khi con niệm danh hiệu Ngài. Ngài thật cao cả và nhân từ, như một người cha, người thầy luôn soi sáng cho cuộc đời con. Với con, Phật A Di Đà không chỉ ở Tây phương mà ở ngay trong cõi Ta bà này. Ngài không chỉ cứu vớt những thần thức đọa lạc, tiếp dẫn họ vãng sanh mà còn luôn an ủi, soi sáng và thức tỉnh cho con cùng biết bao nhiêu người khác.

















Giờ đây, con tin tưởng tuyệt đối vào Phật A Di Đà, cảnh giới Cực lạc thù thắng với vô vàn cảnh đẹp, thanh tịnh và trang nghiêm. Con luôn nguyện được sanh về Tịnh độ nên cố gắng xây dựng nền móng Tịnh độ trong cuộc sống hàng ngày. Sống với niềm tin trọn vẹn vào Phật A Di Đà, con cảm nhận sâu sắc năng lực cứu độ vô biên của Ngài. Chỉ một câu niệm Phật thôi, mà con hằng được soi sáng, chỉ dẫn và có nơi nương tựa. Cho đến một ngày, con nhận ra rằng “Tâm tịnh tức độ tịnh” hay nói cách khác “Đây là Tịnh độ/Tịnh độ là đây”.
Đúng là Tịnh độ ở Tây phương nhưng Tịnh độ cũng ở ngay đây và bây giờ khi tâm con bình an, vắng lặng và thăng hoa trong âm ba vang vọng điệp trùng Nam mô A Di Đà Phật. Sự đời thì vẫn cứ như nhiên, trôi đi với bao buồn vui thăng trầm nghiệt ngã. Con cũng đang xuôi trong dòng sông đời đó thôi nhưng sao tâm con bình an đến lạ, có thể vì con đã nắm được chiếc phao Thánh hiệu A Di Đà.
Cuộc đời con, rồi đây sẽ có những cái được thêm lên và cũng có nhiều thứ sẽ mất đi nhưng chắc chắn rằng câu niệm Phật thì luôn đọng lại, không thêm bớt. Tuy chưa được “Nhất tâm bất loạn” nhưng con nguyện hằng tâm niệm Thánh hiệu A Di Đà. Mỗi câu niệm Phật là một đóa sen, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Luôn tưới tẩm và thắp sáng những đóa sen Thánh hiệu Phật ngay trong cuộc sống này, thì rõ ràng Cửu phẩm Liên hoa cũng chẳng ở đâu xa.

                                                                                                                      BẠCH VÂN

Tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ

Người thế gian vì mê muội không thấy được sự thật nhân quả nghiệp báo nên mới tham muốn, say mê, đắm nhiễm cho dục lạc là số một. Người ý thức biết tham muốn nhiều là tai hại, là đau khổ nên sống đời đơn giản, đạm bạc để vững chải, thảnh thơi...

Ngày xưa, có vị vua do nhờ biết tích lũy phước báo nhiều đời nên được làm vua của các vì vua, là bậc thông minh trí tuệ hơn người nên thống trị khắp cả thế gian này. Vua tự xưng mình là người giàu có nhất thiên hạ và cai trị hết cõi đất này.

May mắn thay, bên cạnh nhà vua còn có vị quan cận thần rất thông minh, tài giỏi, ông luôn thương yêu tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết. Chính sự từ bi và trí tuệ ấy đã giúp nhà vua tránh được nhiều lầm lỗi.

Tuy nhiên, tham vọng muốn mình là người giàu nhất thế gian vẫn luôn âm ỉ nên một hôm nhà vua họp mặt tất cả bá quan cận thần và hỏi: “Này các khanh! Các khanh hãy nói cho trẫm biết, trong vương quốc này ai là người giàu nhất thiên hạ?” Tất cả đều cùng nhau đáp: “Thưa hoàng thượng! Trong vương quốc này dưới sự trị vì của hoàng thượng, hoàng thượng là người giàu nhất không ai bằng.” Nhà vua cảm thấy rất thỏa mãn, hài lòng khi nghe mọi người cùng tâu lên như vậy.

Bỗng nhiên, một vị cận thần tên là Giải Thoát bước ra và nói: “Muôn tâu bệ hạ! Có một vị tỳ kheo tên là Tỉnh Giác, đời sống của vị ấy thật đơn giản. Vị ấy luôn sống hài hòa với muôn loài vật, đặc biệt là không bao giờ ăn thịt cá và luôn khuyên bảo mọi người không nên sát sinh hại vật. Thức ăn chính của vị ấy chỉ là rau quả và các loại ngũ cốc.

Thần đã được tiếp xúc với vị thầy đó, nơi thầy ở muôn thú vây quanh hòa cùng cảnh vật, thiên nhiên dường như không có khoảng cách giữa con người và muôn loài vật. Nơi đó còn có khoảng trên 300 vị khất sĩ đang tu tập theo sự chỉ dạy của thầy. Chính thần đã chứng kiến khi đến giờ thọ trai toàn thể các vị đều ăn cơm trong im lặng, không nghe tiếng khua chén bát, chậm rãi, khoan thai ăn trong tỉnh giác.

Trước khi ăn họ cúng Phật và quán niệm công đức chúc phúc cho quý Phật tử. Sau khi ăn họ tụng bát nhã và hồi hướng công đức cho tất cả mọi người. Họ ăn vừa đủ, ăn trong sự biết ơn của thầy tổ, đàn na tín thí, đất nước và tất cả chúng sinh. Khác với triều đình chúng ta, mỗi khi ăn uống nói cười rộn rã, vui chơi trong no say để rồi đánh mất mình trong thiên hạ, có khi tranh chấp cãi vã ngay khi đang ăn uống.

Vua nghe vị cận thần tâu như thế nên trong lòng muốn tìm đến để hỏi một vài điều. Vài hôm sau, vua và đoàn tùy tùng đã đến chỗ ở của các vị khất sĩ ấy. Cây Bồ đề trước cổng sừng sững hiên ngang với khoảng 4 người ôm không hết, có thể đã trên vài trăm tuổi. Gốc Bồ đề có nhiều tua như cuộn tròn cả thân cây tạo nên sự mát mẻ, trong lành.

Vua yêu cầu được diện kiến trực tiếp vị thầy trụ trì đó. Trong lúc chờ đợi ở nhà khách, vua bỗng dưng nhìn thấy một con người nhỏ nhắn đang tiến dần về phía mình mà không hề chớp mắt. Từng bước chân nhẹ nhàng, an lạc, thảnh thơi của người ấy đã toát ra một năng lực tự tại, bình yên và hạnh phúc. Vua chưa từng thấy một người nào có dáng vẻ uy nghi, trang nghiêm và thanh thản đến như vậy. Người ấy tiến dần đến trước mặt nhà vua nở một nụ cười hồn hậu và vái chào tất cả mọi người rồi ngồi xuống trong tư thế an nhiên .

Sau những lời chào hỏi và chúc tụng, nhà vua đặt liền câu hỏi: “Thưa thầy! Có phải thầy là vị khất sĩ mà mọi người vẫn thường đồn đại là người giàu có nhất thế gian này? Thú thật với thầy, tôi chính là nhà vua của đất nước này. Đã từ lâu tôi nghe tiếng lành đồn xa mà cho đến tận hôm nay tôi mới có cơ hội được diện kiến thầy. Sau khi gặp được thầy, tôi đã cảm nhận được một niềm an vui đang trào dâng trong lòng.”

Tuy biết được người đứng trước mặt mình là một vị vua Chuyển Luân Thánh Vương và những người xung quanh là các quan cận thần nhưng nét mặt của vị thầy đó vẫn bình thản, an nhiên. Thầy luôn giữ được phong thái của người đã an nhiên, tự tại, giải thoát.

Vị thầy ấy đã hỏi nhà vua và các quan cận thần cất công đến đây chắc có điều gì chỉ dạy. Nhà vua đáp: “Ta chỉ muốn biết một sự thật về việc xưa nay mọi người đồn đoán thầy là người giàu nhất thế gian này.” Vị thầy đó mới hỏi lại: “Vậy theo nhà vua, thế nào là một người giàu nhất thế gian?” Nhà vua trả lời: “Người giàu nhất thế gian là người không thiếu bất cứ một món báu vật quý giá từ thức ăn uống, ruộng vườn, nhà cửa, người hầu, thê thiếp. Người đó có đủ tất cả mọi thứ, chẳng hạn như trẫm đây đang trị vì khắp thiên hạ.”

“Dạ thưa bệ hạ, khi nào chúng ta cần tìm cầu một thứ gì đó thì chúng ta mới thiếu phải không?” “Đúng là thế!” “Một người không còn tìm cầu và mong muốn bất cứ một điều gì nữa thì người đó có còn cái gì để mà thiếu nữa phải không?” “Thưa thầy, đúng như vậy!” “Vậy thưa bệ hạ! Người giàu nhất thế gian là người không còn thấy thiếu bất cứ một thứ gì cho bản thân mình nữa.”

Ngay khi đó, nhà vua chợt khám phá ra rằng người biết đủ dù nghèo mà vẫn giàu, người không biết đủ dù giàu
có đến mức nào cũng luôn thấy mình nghèo. Và ngài cũng hiểu ra rằng vì sao mọi người đồn đại vị thầy này là người giàu nhất thế gian tuy trên người không có một thứ gì quý giá. Sau khi về lại hoàng cung, hình ảnh an lạc, thảnh thơi của vị thầy đó đã làm nhà vua thức tỉnh mà biết buông xả mọi thứ.

Kể từ lúc đó, nhà vua ra lệnh cho phân phát tài sản đến những người nghèo trong cả nước. Bên cạnh đó, vua thường xuyên đến gặp vị thầy để học đạo giải thoát và phát tâm quy y làm đệ tử Phật-đà. Vua khuyên mọi người giữ gìn 5 điều đạo đức: không sát sinh hại vật, không trộm cướp lường gạt, sống thủy chung một vợ một chồng, không nói dối hại người, không uống rượu say sưa và tu 10 điều thiện. Vua cũng đã và đang thực tập sống đời đơn giản bằng cách giữ nghiêm giới cấm. Chính ngay tại đây và bây giờ, vua đã cảm thấy mình là người giàu nhất vì dám từ bỏ hết tất cả mà sống đời đơn giản, đạm bạc.

Cuộc sống của dân chúng khắp mọi nơi đều được cơm no, áo ấm, sống trong vui vẻ, hạnh phúc nhờ thấm nhuần lời Phật dạy. Trước khi băng hà, nhà vua đã truyền cho con trai mình là vị thái tử kế nhiệm khắc lên tấm mộ bia hàng chữ: Tâm biết đủ là người giàu nhất thế gian.

Người Phật tử chân chính biết quay về bỏ ác làm lành lo tu học, nhờ đó mà bớt khổ được vui. Người biết tu đối với vật chất có bao nhiêu cũng thấy là đủ, không đòi hỏi hơn. Càng ham muốn nhiều là càng gây đau khổ cho mình và người. Ai cho rằng hưởng được đầy đủ dục lạc thế gian là sung sướng, hạnh phúc là đang sai lầm, không thấy đúng như thật. Chúng ta vì thèm ăn món ngon vật lạ nên phải giết hại các sinh vật. Suốt đời chúng ta cứ tìm cầu ăn uống nên từ đó đánh mất chính mình mà sống trong vô cảm.

Như chúng ta là người Phật tử chân chính đang trường trai giữ giới mà vì thèm ăn ngon nên nghĩ: “Hôm nay mình ăn thịt một bữa cho đã thèm.” Nghĩ như thế chúng ta liền phá trai phạm giới ăn một bữa thịt thật no nê để không còn thèm nữa. Nhưng ít lâu sau ta lại thèm rồi lại phá trai phạm giới lần nữa, cứ như thế mà không giữ giới trọn vẹn.

Chúng ta phải biết, tham muốn nhiều là gốc của đau khổ trong luân hồi sanh tử. Khi vừa khởi niệm tham muốn, chúng ta quyết chí không chiều theo nó để giữ cho thân tâm được trong sạch. Bệnh của con người là muốn được cái này lại tiếp muốn cái khác, cứ như thế mà muốn hoài đến khi gần chết nằm trên giường vẫn tiếc nuối những thứ mình chưa thực hiện được. Chúng ta có ít thì sống theo ít, khi có dư thì chia sớt cho người cần, ta thấy rõ vật chất là tạm bợ nên không khởi tâm mong cầu, tham đắm.

Người hàng ngày chạy theo dục lạc thế gian khi gần chết thân xác hư hoại mà tình ái cứ buộc ràng với gia đình, người thân không muốn xa lìa nên tiếc nuối trong đau khổ; lại không biết mình sẽ đi về đâu nên hoang mang lo sợ trong khủng hoảng.

Người biết tu hạnh buông xả không chất chứa nên ba nghiệp lúc nào cũng thanh tịnh, tinh thần bình tĩnh, sáng suốt nên khi trút hơi thở cuối cùng rất nhẹ nhàng, an ổn vì đã biết chỗ đến. Đành rằng con người ai cũng chết, nhưng người chạy theo ngũ dục tạo nghiệp ác khi chết ắt chịu quả báo khổ đau, người tu không tạo nghiệp ác mà tu nghiệp lành thì đến khi chết sanh vào cõi lành, hưởng phước an vui hoặc được tự tại, giải thoát.

Người thế gian vì mê muội không thấy được sự thật nhân quả nghiệp báo nên mới tham muốn, say mê, đắm nhiễm cho dục lạc là số một. Người ý thức biết tham muốn nhiều là tai hại, là đau khổ nên sống đời đơn giản, đạm bạc để vững chải, thảnh thơi.

Chúng ta tham muốn về ngũ dục có nghĩa là tham muốn về tiền bạc, của cải, vật chất, nhà cao cửa rộng, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, đắm mê sắc đẹp, ham danh vọng quyền cao chức trọng, thích ăn ngon mặc đẹp và ngủ nhiều.

Người thích ăn ngon thân phải chạy ngược chạy xuôi toan tính lo làm cho có nhiều tiền mới mua được bữa ăn ngon theo sở thích. Như vậy thì tâm lao nhọc, thân vất vả mới có được bữa ăn vừa miệng. Người đắm mê sắc đẹp cả đời cứ đuổi theo hình bóng bên ngoài thì sức khỏe hao mòn, tiền bạc hao hụt, có khi dẫn đến thân tàn ma dại. Người tham danh, kẻ tham tài cũng vậy, họ phải chạy ngược chạy xuôi tranh danh đoạt lợi mà làm tổn hại kẻ khác.

Người nào còn tham muốn là còn khổ, tham muốn nhiều thì khổ nhiều, tham muốn ít thì khổ ít. Chúng ta tham muốn cái gì cũng đều khổ cả, chỉ người biết đủ thì sống đời an nhàn, thảnh thơi.

Người tu trong 4 món ăn, mặc, ở, bệnh được tín thí cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không tham cầu đòi hỏi cho nhiều để tiêu dùng cho thỏa thích hay chất chứa. Như vậy, muốn hết khổ chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm để thấy rõ nguyên nhân đau khổ là do tham muốn nhiều mà dừng gây tạo nghiệp ác. Như vậy, tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ.


                                       
                                                                                            Thích Đạt Ma Phổ Giác

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Bài học từ cây nhang trầm

Mỗi sáng sớm trong giờ tọa thiền thỉnh thoảng tôi ngước mắt nhìn lên hình tượng Đức Bổn Sư trên bàn thờ. Trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ đức Phật uy nghi thiền định với vẻ trầm mặc và nụ cười từ hòa thật nhẹ, cây nhang trầm trong bát nhang đặt phía trước tượng Phật đang âm thầm cháy với một đốm lửa nhỏ như hạt đậu và một sợi khói màu lam mỏng manh đang uốn lượn theo chiều thẳng đứng tỏa ra một mùi hương trầm thoang thoảng dịu dàng.


Không gian im ắng, tỉnh mịch, giờ này đa số mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, chỉ có vài người già dậy sớm đi bộ trong im lặng, thỉnh thoảng có tiếng gà gáy sáng eo óc từ những ngôi nhà nào đó trong xóm. Chung quanh tôi là một sự thanh vắng, u trầm, tỉnh lặng, thoang thoảng một mùi hương trầm lan tỏa trong không gian, một mùi hương thật dịu dàng thanh thoát, mùi hương trầm như một chất liệu trợ duyên cho ta thêm  được sự tỉnh tâm,  an nhiên, tự tại…Khi tôi xả thiền và đảnh lễ Tam Bảo thì cây nhang trầm trên bàn thờ cũng đang cháy nốt phần thân còn lại, lúc này mùi trầm hương càng lan tỏa ngào ngạt hơn.

Tôi mở cửa bước ra ngoài, chậu mai chiếu thủy với những chùm hoa trắng muốt âm thầm nở trong đêm, một làn gió nhẹ đưa hương hoa thật ngọt ngào, bầu trời đêm với những ánh sao li ti nhấp nháy cũng đã nhạt dần, phía chân trời một vải đám mây mỏng đang ửng hồng báo hiệu ánh chiêu dương sắp xuất hiện và tôi bắt đầu những bước thiền hành đầu tiên. Một ngày mới của tôi được bắt đầu như thế…

Từ cái mùi hương dịu dàng thanh thoát của cây nhang trầm cứ thoảng thoảng trong những giờ khắc bất đầu một ngày mới cứ lập đi lập lại ngày nào cũng thế đã gieo vào lòng tôi một trạng thái thật an nhiên với những suy gẫm, ưu tư trong cuộc sống. Một sự liên tưởng từ kiếp sống của cây nhang trầm đến kiếp sống của con người trong cõi nhân sinh!

Kiếp con người từ khi  sinh ra là đã cất tiếng khóc chào đời như báo hiệu với nhân loại một sinh linh nữa đang bước vào cõi trần thế khổ đau. Thế rồi ta lớn lên cùng năm tháng  đến tuổi trưởng thành ta lại bôn ba trôi lăn trong kiếp nhân sinh với những nỗi khổ chất chồng, nhưng niềm vui không trọn vẹn, với những ước mơ hoài bảo không thành và muôn vàn ưu tư phiền muộn khác cứ bủa vây quanh ta trong suốt cuộc hồng trần. Hành trang vào đời ta mang theo đầy đủ “thất tình lục dục”. Hỷ, nộ, ái, ố…luôn hiện hữu trong ta, ta để cho tám ngọn gió độc: được-mất, khen-chê, danh thơm-tiếng xấu, hạnh phúc-khổ đau  thổi trực tiếp vào tâm ta, trong vòng xoáy cuộc đời tám ngọn gió độc đó luôn tác động kiến ta cứ nổi trôi khóc cười cùng sô phận!

Cho đến một ngày luật vô thường tác động lên thân ta một cách quá khốc liệt nhất thì ta mới nhận chân ra được thực tại phủ phàng !. Một tấm thân khỏe mạnh, cường tráng ngày nào giờ chỉ còn lại một cơ thể già nua ốm yếu, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ mờ đục mất hết vẻ tinh anh và thị lực thì ngày càng sút kém, đôi chân ngày nào giúp ta bước đi ngàn dặm đường với mấy chục năm trên cõi thế giờ trở chứng đau nhức đôi lúc muốn đi cũng không được, muốn ngồi cũng không xong, cùng biết bao nhiêu điều khổ lụy khác đang ập đến đời sống từng ngày… Ngồi nhìn lại mình, mấy mươi năm sống trên cõi thế ta đã làm gì được cho đời hay là chỉ là những năm tháng nối tiếp nhau nổi trôi theo số phận, sống để trả nợ làm người và chờ ngày trở về với cát bụi ?!

Cây nhang trầm được người tạo ra để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của con người. Nén nhang được thắp lên  trước bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ như là một phương tiện để thể hiện sự cung kính, tri ân, như là một phương tiện giao tiếp giữa kẻ còn người mất, giữa người đang hiện hữu giữa cõi trần thế với người đã về một thế giới khác.
Với tôi cũng như rất nhiều Phật tử khác thì mùi hương trầm thanh thoát lan tỏa  trong không trung trong những khóa lễ, trong những lúc tọa thiền có một tác dụng làm cho tâm ta được tịnh tâm, đem lại sự an lạc an trú trong chánh niệm. Mùi hương trầm cho tôi cảm giác bình yên, tỉnh lặng như đã xa rời thế giới bon chen, hơn thua, được mất..

Thế nhưng để cống hiến cho đời một mùi hương giải thoát, an lạc cho người như thế, cây nhang trầm đã phải đốt cháy thân mình, như ở nhà tôi trong giờ tọa thiền mỗi buổi sáng trên bàn thờ Đức Thế Tôn, trong cái không gian tỉnh lặng nó đã âm thầm đốt cháy thân mình để tỏa hương. Một đốm lửa nhỏ như hạt đậu, một làn khói màu lam mơ hồ như sương khói ẻo lả bay lên theo chiều thẳng đứng, theo thời gian, thân mình càng cháy thì mùi hương càng tăng, mùi hương càng tăng thì thân nó càng lụi tàn!…

Để phụng sự cho nhu cầu tâm linh của con người cây nhang đã thầm lặng thiêu đốt thân mình,  nó đã giúp cho người đời làm phương tiện thể hiện đức tin, tỏa mùi hương giúp cho người hành giả trên lộ trình tu tập được tịnh tâm ý mà không đòi hỏi một sự báo đáp nào cả, thậm chí một sự biết ơn thầm lặng cũng không màng, một sự hy sinh mà không hề có một ý niệm được biết ơn hoặc mong đáp trả.

Nếu như xét về hạnh bố thí ba-la-mật thì cây nhang trầm đã đạt được trọn vẹn tinh thần đó, một bài học hiện tiền mà mỗi người Phật tử thường xuyên diện kiến thông qua các khóa lễ hay những lúc tọa thiền nhưng mà được mấy người nhận ra  điều đó. Một bài học thật sinh động cho mỗi chúng ta trong hành trình tu tập để giác ngộ tự thân và phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng. Nếu như so với sự hy sinh của cây nhang trầm để phụng sự cho tha nhân thì bản thân chúng ta chẳng là gì cả.

Trong hành trình tu tập để thăng tiến tự thân và phụng sự đạo pháp đôi lúc chúng ta cũng thầm tự hào  là đã đóng góp chút gì đó cho đời, cho đạo hai mươi năm, ba mươi năm hoặc lâu hơn nữa.. hoặc chính ta cũng đã góp phần xây dựng nên ngôi chùa này, đạo tràng kia… và chúng ta xứng đáng được mọi người kính nể, ưu ái. Bệnh công thần đang âm thầm hình thành trong ta và đã được ủ kín sâu trong tâm thức, chờ ngày hội đủ duyên là hiện hành. Quả thật sự hy hiến đó cũng thầm lặng và đáng được trân trọng vì đã thực hiện  lời phát nguyện trước Tam Bảo, phát nguyện với chính lương tâm của mình và ta cũng đã có ít nhiều đóng góp công lao trong việc hoằng dương chánh pháp.

Thế nhưng những gì mà ta làm được dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít cho đạo pháp, so với sự đốt mình hy hiến với một tâm vô tư như cây nhang kia thì e còn khiêm tốn lắm! Chúng ta đã có một quá trình hành đạo và chúng ta nghĩ rằng đã có ít nhiều công đức, bên cạnh đó ở một khía cạnh vi tế nào đó nó làm cho chúng ta hài lòng và tự mãn!

Theo thời gian, theo năng lực sự đóng góp của chúng ta càng nhiều thì ở một góc khuất nào đó, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức cái “bản ngã” cùng âm thầm lớn theo. Nó kín đáo núp mình trong chỗ sâu kín nhất của tâm hồn như con virus gây bệnh ung thư trong giai đoạn ủ bệnh, nhưng chỉ chờ một cơ hội nào đó là nó bùng phát. Đối với virus gây bệnh thì chờ khi cơ thể ta suy yếu, mất sự đề kháng hay là nhờ một sự trợ lực nào đó nó sẽ hoành hành tàn hại sức khỏe và cuối cùng là đem đến cái chết cho người bệnh.

Còn con virus gây bệnh công thần, nuôi lớn bản ngã thì chờ một cơ hội nào đó có thể là khi mà cái “bản ngã” của ta không được thỏa mãn, hoặc khi nhận thấy những người chung quanh ta không thể hiện sự kính trọng “cái ta” vĩ đại của mình là ta có cảm giác như mình bị xúc phạm là nó bùng phát ngay, một cách vô tình nó gây ra mầm mống của sự sân hận trong tâm ta và nếu như không được hóa giải thì từ một ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên một đàm cháy sân hận thiêu đốt tất cả công đức, thiêu đốt tất cả công năng có được trong quá trình tu tập và nó làm đổ vở tất cả những mối quan hệ tốt đẹp với tha nhân, làm tan nát những gì mà ta đã dày công tạo dựng…

Ngày qua ngày tự bao nhiêu đời nay mặt trời thường xuyên gieo những tia nắng xuống vạn vật đem sự sống đến cho muôn loài một cách vô tư, ngọn nến thiêu đốt thân mình để đem lại ánh sáng cho những ai cần ánh sáng, cây nhang trầm đốt cháy thân mình để tỏa ra làn hương thơm thanh khiết trợ duyên cho người tu tập, làm phương tiện tốt cho Phật tử thể hiện tấm lòng thành dâng lên Chư Phật, Chư Bồ-tát trong mười phương,  cho hàng con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ… với một sự âm thầm, lặng lẽ, không mong cầu sự biết ơn, không mong cầu sự trả ơn của tha nhân.

Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm một bài học quý giá mà ta được học hằng ngày từ cây nhang trầm, thế nhưng vì sao ta không tiếp thu hoặc có tiếp thu mà không thực hiện được ? Vì sao thế?!.
                                                                         Tâm Lễ - Vườn hoa Phật giáo